Hãy chuẩn bị thật kỹ với một chút giúp đỡ từ bài viết “Những cách trả lời thông minh cho các câu hỏi khó” của Bà Shelley Tilson, Trưởng phòng (phòng Thương Mại) thuộc tập đoàn Robert Walters.
Cách trả lời phỏng vấn thông minh
Không nên kể chuyện quá nhiều
Kể chuyện là một trong những cách trả lời phỏng vấn hay, khéo léo và khá thông minh. Không chỉ vậy, sở hữu kỹ năng kể chuyện tốt còn để lại ấn tượng tốt và làm cho các nhà tuyển dụng cảm thấy thuyết phục.
Tuy nhiên, các ứng viên cũng cần phải biết điểm dừng, chỉ kể chuyện trong những trường hợp thật sự cần thiết.
Bạn không nên bắt đầu một câu chuyện khi được hỏi những câu hỏi phỏng vấn Có/Không. Điều này sẽ khiến người nghe cảm thấy khó hiểu và làm cho bầu không khí trở nên kỳ quặc hơn.
Thay vào đó, đối với những câu hỏi mở rộng, có mục đích khơi gợi giúp bạn có thể đưa ra câu trả lời phỏng vấn dài, nhiều thông tin hơn ví dụ như: “Hãy kể cho chúng tôi khoảng thời gian bạn làm việc ở công ty….” hay “Trải nghiệm của bạn khi làm ở công ty….”.
Lúc này, kể chuyện lưu loát, rành mạch sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng đó nhé.
Trả lời phỏng vấn ấn tượng, chi tiết với số liệu
Bạn nghĩ đâu sẽ là một câu trả lời phỏng vấn hay với 2 cách sau đây:
Ứng viên A:
“Khi làm ở công ty X, tôi chính là nhân viên bán hàng giỏi nhất của công ty”
Ứng viên B:
“Khi làm ở công ty X, tôi thuộc TOP 3 nhân viên xuất sắc nhất công ty. Tôi đã hoàn thành xuất sắc 5 dự án công ty giao cho và mục tiêu tiếp theo của tôi chính là đạt được cột mốc vượt xa chỉ tiêu đề ra 150%”.
Có thể thấy, ứng viên B đưa ra câu trả lời ấn tượng hơn khi biết lồng ghép các dữ liệu thực tế mà họ đã đạt được trong quá trình làm việc. Điều này chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đối với các nhà tuyển dụng.
Chính vì vậy, trước khi đến phỏng vấn, bạn hãy xem lại những thành quả mà mình đã đạt được. Từ đó, có thể trình bày một cách trôi chảy và mạch lạc nhất.
Câu trả lời ngắn gọn và súc tích nên được ưu tiên
Cách trả lời thông minh tiếp theo mà bạn cần ghi nhớ khi đi phỏng vấn đó là chỉ đề cập đến những chi tiết quan trọng và làm nổi bật những ưu điểm của bản thân. Tuyệt đối không nên dài dòng, kể lan man bởi nhà tuyển dụng KHÔNG quan tâm đến những câu chuyện đó, một sự thật phũ phàng là vậy.
Thông thường, các ứng viên sẽ cố gắng kéo dài câu trả lời của bản thân bằng cách đưa thêm nhiều thông tin không cần thiết. Điều này không chỉ làm tốn thời gian mà còn khiến câu trả lời của bạn đi chênh hướng so với câu hỏi được đưa ra.
Tập trung vào công ty và những lợi ích chung
Đa phần những ứng viên luôn nghĩ đến lợi ích của họ trước tiên. Điều này không hề sai nhưng chưa thật sự khéo léo.
Một cách giúp bạn ăn điểm đối với nhà tuyển dụng đó là tập trung vào lợi ích của cả công ty thay vì mỗi lợi ích của cá nhân mình.
Bạn có thể đề cập đến những kỹ năng của bản thân và chỉ rõ những kỹ năng này có thể giúp gì cho công ty. Không những vậy, bạn nên đưa ra những dẫn chứng thuyết phục rằng công việc của họ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn ở trong đội.
Đây sẽ là cách trả lời phỏng vấn hay giúp bạn có được tấm vé vào vòng trong và trở nên nổi bật hơn rất nhiều so với các ứng viên khác.
Tự tin và trả lời rành mạch là điều cần thiết
Khi đưa ra những câu trả lời cho câu hỏi phỏng vấn khó thì việc bộ lộ sự tự tin và nhiệt huyết sẽ giúp bạn ghi điểm đối với nhà tuyển dụng.
Cố gắng thổi hồn vào câu trả lời của mình. Dù bạn là người hướng nội, ít nói hay ít giao tiếp với người khác cũng không phải là vấn đề. Bạn chỉ cần sử dụng tông giọng bình thường của mình rồi thêm một chút hào hứng khi trả lời câu hỏi. Bên cạnh đó, để trông tự tin hơn nữa thì bạn có thể sử dụng “body language”.
Đối với các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại, bạn nên đứng dậy và cười thật tươi khi trả lời. Lúc này, người phỏng vấn sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ bạn và giúp bạn được đánh giá cao hơn.
Thảo luận về dự định trong tương lai
Đa phần các câu hỏi phỏng vấn thường sẽ hỏi về quá khứ của ứng viên như kinh nghiệm trước đây, những dự án đã tham gia, thất bại trong quá khứ,…Tuy nhiên, đây chỉ là những câu hỏi để đánh giá cách trả lời của bạn. Mấu chốt của buổi phỏng vấn nằm ở những câu hỏi liên quan đến dự định, mục tiêu trong thời gian tới.
Ứng viên khi trả lời về kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân thì cũng nên thêm vào cả những dự định trong tương lai. Bạn sẽ sử dụng những kỹ năng ấy như thế nào, với kỹ năng đó có thể giúp ích gì cho sự phát triển của công ty,…
Không chỉ vậy, ứng viên cũng nên chủ động đề cập đến những thông tin được đề cập trong Job Description (JD) để đưa ra những dự định trong tương lai phù hợp với công ty.
Nói sự thật
Điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe từ bạn đó là những trải nghiệm, những câu chuyện mà bạn đã trải qua và những kỹ năng mà bạn có. Sẽ chẳng có gì đáng trách nếu như bạn không đáp ứng được 100% những yêu cầu được đưa ra trong JD. Bởi sự thật là, những yêu cầu đó cũng chỉ nằm trong “wishlist” mà thôi, bạn có thể có hoặc không.
Tuy nhiên, nếu bạn nói dối hoặc cố gắng giấu giếm một điều gì đó thì ngay lập tức bạn sẽ bị loại khỏi vòng phỏng vấn.
Bạn cần xây dựng được sự tin tưởng và mức độ uy tín của bản thân trong buổi họp. Điều này sẽ giúp câu trả lời của bạn chỉnh chu và được đánh giá cao hơn.
Tổng hợp câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cách trả lời
Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?
Không có câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng đặt ra. Tuy nhiên, đối với câu hỏi tại sao chọn công ty chúng tôi thì bạn có thể trả lời theo 3 hướng như sau:
- Danh tiếng của công ty:
Đây là lý do khá thuyết phục nếu như các nhà tuyển dụng hỏi bạn câu hỏi này. Bạn có thể nói về độ phủ sóng của công ty và so sánh sức ảnh hưởng của công ty với các đối thủ cạnh tranh.
Không chỉ vậy, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty để có thể thêm vào câu trả lời thật khéo léo để nhà tuyển dụng thấy khả năng tìm kiếm thông tin của bạn.
- Đặc điểm nổi bật của sản phẩm/dịch vụ:
Câu trả lời thông minh cho câu hỏi này đó chính là nói về những đặc điểm nổi bật của sản phẩm/dịch vụ mà công ty bạn ứng tuyển cung cấp.
Nếu bạn đã từng sử dụng hoặc có trải nghiệm tốt thì hãy thể hiện cho những nhà tuyển dụng thấy rõ. Đây cũng là một lợi thế giúp bạn giải thích rõ lý do tại sao bạn muốn làm việc tại nơi đây. Không chỉ thế, nhà tuyển dụng cũng thấy ấn tượng hơn với câu trả lời của bạn.
Còn đối với trường hợp bạn chưa sử dụng hay trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của công ty thì có thể bày tỏ sự quan tâm của bạn. Hoặc có thể đưa ra quan điểm, ý kiến riêng của mình cho câu hỏi tuyển dụng này.
- Văn hóa doanh nghiệp:
Văn hóa doanh nghiệp cũng là một ý tưởng hay để giúp bạn trả lời trả lời phỏng vấn tại sao lại chọn công ty. Ví dụ: Công ty thường xuyên tổ chức đi nghỉ lễ hoặc có chính sách đãi ngộ nhân viên tốt thì bạn có thể lấy đây làm câu trả lời.
Bên cạnh đó, trong quá trình tương tác với những nhà tuyển dụng, bạn cũng có thể thấy được văn hóa doanh nghiệp như: Không gian làm việc, môi trường làm việc, thái độ làm việc,…Dựa vào đây, bạn có thể đưa ra câu trả lời tự nhiên và hợp lý cho câu hỏi phỏng vấn.
Tại sao bạn muốn công việc này?
Hãy thành thật với bản thân: Tại sao bạn muốn công việc này? Bạn có thật sự quan tâm đến vị trí công việc này hay không? Bạn bị ấn tượng bởi những hoạt động xã hội của công ty? Hoặc bạn thực sự mong muốn được tăng lương khi gia nhập công ty này? Hy vọng rằng đó không phải là điều cuối cùng!
Vì sao bạn muốn công việc này? Bạn có hiểu chính xác điều gì đang trông chờ bạn hay không? Bạn đã nghiên cứu kỹ mô tả công việc? Bạn có tìm hiểu về website công ty? Bạn có biết người nào đang làm việc tại công ty này mà có thể giới thiệu bạn với nhà tuyển dụng?
Hãy chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng! Tránh bị động và phòng thủ với các kiểu trả lời bắt đầu bằng “Bởi vì” như sau: “Bởi vì tôi nghĩ tôi sẽ làm tốt công việc này,” “bởi vì công việc này dường như là cơ hội tốt cho tôi” hoặc “bởi vì công việc này trả lương cao.”
Thay vì đó, bạn nên trả lời: “Tôi đã đọc qua mô tả công việc và cũng xem qua website công ty, vị trí công việc thực sự thu hút tôi, khiến tôi nhận thấy các kỹ năng của bản thân quả thực phù hợp với công việc. Bên cạnh đó, tôi rất hào hứng với những nhiệm vụ và trách nhiệm mới trong công việc này.”
Hãy điều chỉnh câu trả lời của bạn sao cho phù hợp với vị trí công việc đăng tuyển. Bạn sẽ có thêm quyền hạn và trách nhiệm? Bạn sẽ được trợ lý cho giám đốc cấp cao thay vì một nhóm 50 người? Bạn sẽ làm việc trách nhiệm công việc khác nhau với cơ hội được tham gia vào các dự án và sự kiện của công ty?
Vì sao tôi nên tuyển dụng bạn?
Đây là câu hỏi giúp bạn thể hiện và tiếp thị bản thân. Vì sao ai đó phải tuyển dụng bạn? Bạn có phải là nhân tài khiến các công ty thèm khát? Bạn có thành thạo Microsoft Office, Powerpoint và Excel? Bạn sáng tạo và bạn nghĩ bạn có thể mang lại giá trị cho công ty?
Bằng việc tìm hiểu bản mô tả công việc, hãy cố liệt kê ra những điểm mạnh của bản thân bằng những ví dụ trong công việc bạn đã hoàn thành trước đây mà có liên quan đến yêu cầu của vị trí này.
Bạn có thể nói rằng: “Tôi tin rằng tôi phù hợp với yêu cầu công việc được nêu trong bản mô tả việc làm và tôi cảm thấy rằng tôi thực sự làm tốt trong vai trò này như những gì tôi đã làm tại … (lĩnh vực/vai trò/cấp bậc mà bạn mong muốn). Tại vị trí trước đây của tôi, tôi chịu trách nhiệm … (sử dụng ví dụ cụ thể để làm nổi bật giá trị của bạn).
Một lần nữa, hãy cố gắng điều chỉnh câu trả lời của mình sao cho phù hợp với vị trí công việc mà bạn ứng tuyển! Hãy thể hiện nhiệt huyết trong câu trả lời, cũng như thái độ tích cực và tự tinh. Nếu bạn không thể thuyết phục bản thân rằng bạn phù hợp với vị trí này – làm sao bạn có thể thuyết phục người khác!
Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?
Đây được xem là một câu hỏi tiêu cực, và nhà tuyển dụng thường sử dụng câu hỏi này để kiểm tra khả năng giữ bình tĩnh của bạn.
Chúng ta tất thảy đều có điểm yếu, hãy đối mặt với điều đó, bởi chúng ta không bao giờ là hoàn hảo cả! Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ có được công việc mà bạn mong muốn khi trả lời thành thật câu hỏi trên. Hãy nghĩ cách để biến điểm yếu của bạn trở thành điều gì đó tích cực hơn.
Hãy nhìn vào bản mô tả công việc một lần nữa và chọn ra một yêu cầu mà bạn nghĩ bạn cần phải cải thiện hơn. Bạn có ngại thuyết trình trước đám đông không? Bạn có gặp vấn đề về quản lý thời gian không? Bạn có cảm thấy rằng mình được hưởng lợi từ những buổi đào tạo về Microsoft Office?
Một câu trả lời khả dĩ (tùy thuộc vào điểm yếu mà bạn chọn” nên là: “Tôi hiểu rằng kỹ năng tin học của tôi, Microsoft Excel và Powerpoint thực sự chưa lên đến trình độ nâng cao nhưng hiện tại tôi đang học thêm những kỹ năng này khi có thời gian rảnh.”
Hoặc: “Tôi nghĩ kỹ năng quản lý thời gian là kỹ năng tôi cần cải thiện hơn nữa. Tôi đã nghiên cứu và lên kế hoạch kỹ càng hơn để biết cách ưu tiên các nhiệm vụ khác nhau. Đồng thời, việc viết ra một danh sách những việc cần làm cũng giúp tôi trong việc quản lý thời gian.”
Tránh thể hiện rằng mình là một “người hoàn hảo” bằng cách nói “Tôi không có điểm yếu nào hết.” Điều này chỉ khiến bạn bị nhìn nhận là quá kiêu ngạo và quá tự tin.
Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
Bất kể bạn định nói gì – hãy giữ thái độ tích cực! Đây không phải là cơ hội để bạn phàn nàn về những bất công về lương thưởng vào năm ngoái hoặc sếp cũ của bạn vô lý như thế nào. Cho dù là lý do gì chăng nữa, hãy chắc rằng câu trả lời của bạn là câu trả lời tích cực.
Nếu bạn cảm thấy bị đánh giá thấp trong vai trò của mình hoặc có mâu thuẫn cá nhân với sếp hoặc đồng nghiệp, hãy nghĩ cách trả lời sao cho nhà tuyển tiềm năng cảm thấy câu trả lời của bạn là phù hợp. Hãy chuẩn bị kỹ câu trả lời này trước khi bạn tham gia buổi phỏng vấn và nhớ rằng, tuyệt đối KHÔNG NÓI XẤU công ty cũ.
Đơn giản nói rằng bạn mong muốn có được “một thử thách mới” hoặc “sự thay đổi về môi trường” sẽ có thể khiến nhà tuyển dụng cảnh giác với bạn. Do đó, nếu bạn có câu trả lời “Tôi muốn tìm kiếm thử thách mới” hãy chuẩn bị cho những câu hỏi sâu hơn từ nhà tuyển dụng.
Vì sao bạn lại muốn thử thách mới? Bạn có thể nói rõ hơn thử thách mới đối với bạn hiện tại là gì không? Vì sao bạn không thẳng thắn trao đổi với công ty cũ rằng bạn mong muốn những thách thức mới trong công việc?
Hãy tập trung hơn nữa về lý do vì sao vị trí này lại phù hợp với bạn và loại bớt những lý do vì sao vị trí cũ lại không phù hợp với bạn nữa.
Hãy giới thiệu bản thân
Hãy cẩn thận. Đây không phải là lúc bạn kể cho nhà tuyển dụng nghe về câu chuyện cuộc đời bạn.
“Tôi đến từ một gia đình 6 người và sống với người anh cả gần Công viên East Coast, và tôi vừa mới về thăm nhà vào dịp lễ” thực sự KHÔNG phải câu trả lời nhà tuyển dụng muốn nghe.
Khi người phỏng vấn hỏi câu hỏi này, họ muốn biết bạn đang làm gì, bạn mong muốn điều gì trong công việc và con người bạn liệu có phù hợp với văn hoá công ty hay không. Điều họ thực sự muốn biết là những gì bạn quan tâm, kỹ năng của bạn là gì, điểm mạnh của bạn ở đâu, giá trị mà bạn có thể đóng góp cho công ty.
Hãy chuẩn bị kỹ câu trả lời cho vị trí mà bạn ứng tuyển! Đừng thể hiện rằng bạn mong muốn trở thành một phần của một nhóm ồn ào náo nhiệt trong văn phòng khi con người bạn thực sự lại không thích đám đông.
Một câu trả lời tốt cho câu hỏi dạng này thường như sau: “Tôi là một nhân viên rất tận tụy; tôi thích trở thành một phần của nhóm, làm việc trong một môi trường đầy thách thức và năng động, và tôi cũng có thể làm việc độc lập khá tốt. Tôi thích gặp gỡ mọi người và đặc biệt thích làm những việc hành chính cho các dự án và sự kiện.
Bạn nhìn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?
Đây là câu hỏi ưa thích của rất nhiều nhà tuyển dụng! Hãy trung thực – có ai biết họ sẽ ở đâu trong 5 năm tới đâu?
Câu trả lời nên là: “Tôi nghĩ tôi sẽ làm việc cho một công ty lớn như công ty này nhưng tại vị trí cao hơn.”
Bạn có thể điều chỉnh câu trả lời sao cho phù hợp với từng vị trí công việc cụ thể mà bạn ứng tuyển.
Nếu bạn được phỏng vấn cho vị trí Trợ lý hành chính, sự thành công của vị trí này có thể là việc trở thành Quản lý Văn phòng hoặc Trưởng phòng Hành chính. Nếu bạn hiểu rõ được cấu trúc công ty và biết được các nhân viên hành chính thường được đề bạt thành Điều hành kinh doanh, hãy đề cập đến điều này!
Quan trọng hơn là cách bạn trả lời câu hỏi này chứ không phải điều bạn nói. Hãy thể hiện thái độ tích cực và tự tin hơn là phòng thủ và không chắc chắn. Đừng đưa ra những câu trả lời kiểu như bạn đang cố “tìm kiếm bản thân” và bạn có thể khám phá ra được điều gì đó sau 2 tháng gia nhập công ty.
Hãy luôn ghi nhớ rằng buổi phỏng vấn là một quy trình 2 chiều, do đó hãy chuẩn bị một danh sách các câu hỏi để đưa ra đối với người phỏng vấn vào cuối buổi!
Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
Khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng mong muốn có thể hiểu rõ hơn về kỳ vọng của ứng viên và đưa ra mức lương phù hợp. Nếu ứng viên đưa ra con số cao hơn dự kiến thì nhà tuyển dụng sẽ suy nghĩ kỹ về khoảng ngân sách cho vị trí này.
Bên cạnh đó, đây cũng là một “cái bẫy” mà nhà tuyển dụng đưa ra để xem ứng viên có thật sự hiểu về vị trí công việc hay không. Bạn nên đưa ra mức lương chính xác và thể hiện sự hiểu biết về giá trị của bản thân.
Nhìn chung, không nên nói rằng “mức lương ở công ty cũ là xxxx nên tôi mong muốn mức lương ở công ty là xxx”.
Thay vào đó, bạn có thể tham khảo câu trả lời sau: “Trước khi đưa ra một con số cụ thể cho mức lương mong muốn của bản thân thì tôi muốn hỏi thêm một vài điều về trách nhiệm của mình ở vị trí này.”
Nếu bạn đã hiểu rõ hơn về công việc cũng như trách nhiệm thì có thể trả lời: “Sau khi trao đổi kỹ càng thì với kinh nghiệm của mình, tôi đề xuất mức lương XXX”.
Bản thân bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với công việc?
Đa phần ứng viên khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn liên quan đến điểm mạnh của bản thân thường sẽ có những câu trả lời giống nhau như:
- Kỹ năng giap tiếp tốt
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Có trách nhiệm, làm việc đúng giờ
- Kiên nhẫn, tập trung
- Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm,…
Tuy nhiên, đây chỉ là những đáp án chung chung cho câu trả lời phỏng vấn và chưa làm rõ được đặc thù về công việc mà bạn đang ứng tuyển. Để tạo được ấn tượng sâu sắc đến với nhà tuyển dụng, bạn cần chọn những kỹ năng liên quan đến công việc đang ứng tuyển.
Thường bạn cần chọn từ 2-3 điểm mạnh liên quan đến công việc và phù hợp với JD của công việc để trình bày. Và sau đó bạn đã đạt được những thành tưu nổi bật gì từ điểm mạnh của bạn.
Ví dụ:
- Nếu bạn đang ứng tuyển cho công việc IT, bạn nên chọn những kỹ năng liên quan đến coding, lập trình,… Và đã được thử sức trong vị trí lập trình web….
- Nếu bạn đang ứng tuyển cho công việc liên quan đến kinh doanh, kỹ năng mà bạn cần có là thuyết phục và tìm kiếm khách hàng,… Bạn đã thành công bán được sản phẩm bảo hiểm cho hơn 10 khách hàng trong 2 tháng đầu tiên.
- Nếu bạn đang tìm kiếm công việc liên quan đến kế toán, bạn cần trình bày các kỹ năng liên quan đến execl, các phần mềm sử dụng cho kế toán như Misa,… Bạn có thể quản lý tốt các hợp đồng hóa đơn thu chi thanh toán,…
Câu hỏi phỏng vấn theo tình huống
Thông thường trong các buổi phóng vấn tuyển dụng, người phỏng vấn sẽ đưa ra các câu hỏi phỏng vấn tình huống. Nhằm đánh giá cách làm việc, xử lý và giải quyết vấn đề của người trả lời phòng vấn.
Câu hỏi tình huống thường có 2 dạng chính:
- Dạng một là các câu hỏi lý thuyết, đưa ra những tình huống chưa xảy ra. Ứng viên trả lời phỏng vấn dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm đọc được hoặc nghe được.
- Dạng hai là câu hỏi tình huống đã xảy ra. Nhà tuyển dụng dựa trên câu hỏi này để nắm bắt tính cách, năng lực và hành vi của ứng viên
Đối với những dạng câu hỏi phỏng vấn tình huống, bạn cần chuẩn bị trước tinh thần rằng những câu hỏi tình huống sẽ xảy ra.
Nhà tuyển dụng có thể hỏi “Bạn có thể kể về một tình huống công việc bạn đã làm tốt nhất?” hoặc “Trong quá trình làm việc bạn đã gặp phải những khó khăn gì và đã có cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”
Để trả lời những câu hỏi tình huống một cách tốt nhất, bạn nên:
- Trả lời một cách chi tiết và cụ thể, tập trung vào một ví dụ thực tiễn.
- Trình bày về vai trò và hành động của bạn, bạn đã đóng góp gì để tạo ra kết quả công việc. Nhờ rằng hãy dùng “tôi” thay vì luôn trả lời “chúng tôi” đã làm gì.
- Sắp xếp câu trả lời có trình tự rõ ràng mạch lạc nhất. Từ tình huống là gì? Nhiệm vụ của bạn trong tình huống đó là cần phải làm những gì? Bạn đã có những hành động gì để hoàn thành nhiệm vụ đưa ra? Và bạn đã đạt được những gì sau đó?
Bạn nghĩ gì về việc làm tăng ca?
Đây là dạng câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra để đánh giá trách nhiệm đối với công việc của ứng viên. Nhà tuyển dụng muốn kiểm tra rằng bạn có phải là người sẵn sàng cống hiến cho công ty. Cũng như thông báo rằng công việc đang ứng tuyển sẽ phải thường xuyên tăng ca để ứng viên cân nhắc có thật sự phù hợp với công việc
Cách trả lời phỏng vấn thông minh trong trường hợp này để ghi điểm với nhà tuyển dụng không phải là chấp nhận hay không chấp nhận. Mà bạn cần thể hiện lập trường và thái độ của bạn khi trả lời một cách hợp lý.
Ví dụ:
Công việc nào cũng sẽ có khả năng tăng ca. Tuy nhiên trong thời gian làm việc em sẽ cố gắng hoàn thành các công việc một cách tốt nhất và hiệu quả nhất để hạn chế việc tăng ca. Tuy nhiên, nếu có những vấn đề gấp phát sinh cần tăng ca để giải quyết, em vẫn có thể tăng ca để hoàn thành kịp tiến độ công việc đặt ra.
Bạn dự tính gắn bó với công ty trong bao lâu?
Đây là một câu hỏi phỏng vấn khó với ứng viên khi phải trả lời thế nào để có thể đúng với mong muốn của nhà tuyển dụng. Đa phần nhà tuyển dụng sẽ thích nhân viên gắn bó lâu dài với công ty vì việc tuyển dụng nhiều lần rất mất thời gian.
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể không cần đưa ra số năm cụ thể vì nhà tuyển dụng cũng không cần biết số năm chính xác mà bạn làm việc tại công ty. Họ chỉ muốn tìm hiểu mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cũng như sự cống hiến và tinh thần làm việc của ứng viên. Điều quan trọng là bạn cần đưa ra lý do tại sao bạn thích làm việc tại công ty? Điều gì mà bạn ấn tượng về công ty để gắn bó lâu dài? Thể hiện sự nhiệt tình và mong muốn cống hiến với công việc.
Bạn cũng có thể chia sẽ một cách thẳng thắng với nhà phỏng vấn rằng bạn không biết sẽ có thể làm việc ở đây bao nhiêu lâu. Những trong thời gian làm việ tại công ty, bạn sẽ cố gắng làm việc hết sức để có thể hoàn thành tốt công việc.
Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?
Khi nhà tuyển dụng hỏi rằng bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không, đừng im lặng hay nói “Không”. Cố gắng đặt ra nhiều câu hỏi như:
- Anh/chị nghĩ như thế nào là một nhân viên kiểu mẫu? → Biết được công ty đang kỳ vọng điều gì ở nhân viên. Từ đó, lựa chọn định hướng phát triển phù hợp với công ty mà bạn ứng tuyển.
- Anh/chị đánh giá như thế nào về em? Có điểm gì mà em cần cải thiện không? → Thể hiện được rằng bạn là một người ham học hỏi và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác.
Ngoài ra, còn một số thông tin mà bạn cũng cần xác nhận lại với nhà tuyển dụng như: Thuế, bảo hiểm, thời gian làm việc, KPI,…Hãy cố gắng đặt câu hỏi thông minh để có thể gây ấn tượng tốt với nhân sự nhé.
Một số câu hỏi khác
- Đâu là những kỹ năng chính mà anh/chị đang tìm kiếm ở một ứng viên phù hợp?
- Anh/chị làm ở công ty này được bao lâu?
- Điều khi khiến anh/chị muốn làm cho công ty này?
- Mọi người làm việc nhóm ở công ty như thế nào?
- Anh/chị thích làm những công việc gì?
- Anh/chị đã từng có một trợ lý nào trước đây mà rất phù hợp với anh chị không?
- Những kỹ năng nào anh/chị mong muốn được nhìn thấy ở người nhân viên kế tiếp của anh/chị?
- Anh/chị có bất kỳ câu hỏi nào về kinh nghiệm và kỹ năng của tôi không?
- Định hướng nghề nghiệp của anh/chị trong vòng 1 – 3 năm tới như thế nào?
- Anh/chị mong đợi điều gì ở vị trí mới trong một môi trường mới?
- Anh/chị làm gì để vượt qua căng thẳng và áp lực trong quá trình làm việc?
- Phong cách làm việc của Anh/chị như thế nào?
- Anh/chị thích làm việc theo nhóm hay cá nhân hơn?
- Làm sao tôi tuyển dụng bạn nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc này?
Hy vọng rằng với những cách trả lời thông minh cho các câu hỏi phỏng vấn kinh điển trên đây sẽ hữu ích cho bạn. Hãy tham khảo thật kỹ các câu trả lời và những câu hỏi phỏng vấn Hà Gia Phát cung cấp trên đây để chinh phục mọi nhà tuyển dụng nhé!